Hội thảo khoa học công nghệ nuôi biển và hạ tầng cần thiết để phát triển nuôi biển tỉnh Cà Mau
Lượt xem: 90
Thứ Ba, 17/10/2023 15:51 GMT+7
Sáng ngày 17/10/2023, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo khoa học, với chủ đề “Công nghệ nuôi biển (nuôi trồng thủy sản trên biển) và hạ tầng cần thiết để phát triển nuôi biển tỉnh Cà Mau”.
Sáng ngày 17/10/2023, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo khoa học, với chủ đề “Công nghệ nuôi biển (nuôi trồng thủy sản trên biển) và hạ tầng cần thiết để phát triển nuôi biển tỉnh Cà Mau”.

Đại biểu tham dự hội thảo.
Với chiều dài bờ biển trên 254km, điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên vùng biển tỉnh Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển trong tương lai. Trong đó, có nhiều cửa biển và khu vực ven biển có các bãi triều thích hợp để nuôi các loài nhuyển thể. Khu vực trên biển có nhiều đảo như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc phù hợp cho phát triển nuôi hải sản bằng lồng bè. Nếu có thể khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nuôi biển sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho ngư dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Giai đoạn năm 2019 - 2021, tỉnh Cà Mau thực hiện các mô hình thí điểm một số đối tượng hải sản mới, sử dụng lồng bè, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo đó, tập trung chủ yếu nuôi cá lồng bè ở đảo Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, với 190 lồng bè nuôi (khoảng trên 10.000m3). Đối tượng là cá bớp, cá mú, với sản lượng hàng năm từ 200 đến 300 tấn/năm. Về nuôi nhuyễn thể được Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi thả nuôi khoảng 25 tấn/25ha nghêu giống, sản lượng khoảng trên 1.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, người dân các huyện ven biển còn phát triển nghề nuôi hàu lồng trên sông, rạch, với khoảng 1.150 lồng, sản lượng thu hoạch hàng năm từ 250 đến 300 tấn. Kết hợp nuôi sò huyết trong vuông tôm, với diện tích gần 4.000ha. Ngoài ra, công tác đào tạo tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cũng được tỉnh quan tâm, giúp cho ngư dân có thêm nhiều kiến thức về nghề nuôi hải sản để sẵn sàng tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ mới.
Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Cà Mau chưa giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên biển. Hạ tầng phục vụ nuôi hải sản trên biển và ven biển trong tỉnh chưa được đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu của ngư dân; vật tư lồng bè phụ thuộc vào nguồn cung ngoài tỉnh nên thiếu chủ động, chưa có cơ sở sản xuất giống cá biển trong tỉnh; trình độ kỹ thuật nuôi còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu cung ứng cho thị trường trong tỉnh, giá bán thấp,... Hiện nay, tỉnh đã ban hành kế hoạch nuôi trồng hải sản trên biển và ven biển tỉnh Cà Mau giai đoạn năm 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề ra mục tiêu thúc đẩy nghề nuôi biển của tỉnh từng bước phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại; tạo ra sản phẩm có giá trị đảm bảo chuỗi cung ứng và thị trường ổn định; đảm bảo môi trường sinh thái, giải quyết việc làm và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá hiện trạng, định hướng và đề xuất giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển trong thời gian tới, cần nghiên cứu, quy hoạch vùng nuôi, làm căn cứ giao khu vực biển cho người nuôi theo quy định. Có chính sách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, nhất là nuôi theo quy mô công nghiệp, hiện đại để hỗ trợ cho các hoạt động phát triển nuôi hải sản trên biển. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho người nuôi. Phát triển các cơ sở sản xuất giống đảm bảo số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ nuôi biển mới để áp dụng có hiệu quả vào thực tế. Nghiên cứu thí điểm các mô hình có hiệu quả để nhân rộng. Thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vốn vay tín dụng để đầu tư vào chuỗi ngành hàng nuôi biển.
Mỹ Tâm